“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Ngày nay, e rằng nguồn nguyên khí ấy đang cạn dần.
- Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn?
- Không nên cho học sinh nghỉ học vào ngày 20/11
- Dự kiến hơn 600 sinh viên sư phạm buộc phải thôi học
Gần đây, những câu chuyện về ngành giáo dục như giáo viên dạy 37 năm nhận lương hưu là 1,3 triệu đồng hay kỳ thi THPT Quốc gia năm nay điểm chuẩn đầu vào của các trường đào tạo sư phạm rất thấp, có những trường điểm chuẩn chỉ 9 điểm, khiến nhiều người không khỏi lo lắng cho nền giáo dục nước nhà.
Giáo dục và đào tạo là một vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống chính trị và phát triển của mỗi quốc gia. Hưng hay thịnh của một quốc gia quyết định ở nhiều yếu tố, nhưng cơ bản nhất vẫn là giáo dục. Tuy nhiên, tình hình giáo dục đào tạo hiện nay ở nước ta có nhiều khâu, nhiều điểm cần nhìn nhận, đánh giá và cải cách sớm nếu không muốn rơi vào tụt hậu, để câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” không còn được nhắc đến nữa.
Vậy đời sống của giáo viên ở các trường từ mầm non đến trung học phổ thông hiện nay như thế nào? Xin thưa rằng họ đang gặp rất nhiều khó khăn nếu không muốn nói là nghèo khổ. Họ đang phải gồng mình chịu đựng sự tăng giá của nhiều mặt hàng vốn đặc biệt “hoành hành”.
Nhiều người trong số đó không chịu nổi đã từ giã bục giảng, từ giã đồng nghiệp, học sinh và tiếng trống trường… từ giã ước mơ thời son trẻ là được làm thầy giáo. Chắc rằng không ai muốn phải bỏ cái nghề mình đã lựa chọn, hơn nữa lại là “nghề cao quí nhất”. Khi nói đến lương giáo viên, một thầy giáo chua chát rằng: “Từ ngày tôi ra trường tiền lương không đủ để mua một chỉ vàng, đến nay gần 20 năm lương không đổi, vì vẫn không đủ mua một chỉ vàng”
Băn khoăn khi lựa chọn học sư phạm
Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhưng thực tế hiện nay khi lựa chọn con đường nghề nghiệp cho con em mình, ít phụ huynh muốn con em mình đi vào ngành giáo dục để làm giáo viên. Bằng chứng là những năm gần đây tỷ lệ thí sinh dự thi vào các trường đại học sư phạm rất ít. Điều đặc biệt là nhiều học sinh khá giỏi, nhất là các học sinh học ở những trường chuyên, khi nói đến sư phạm đều lắc đầu. Các em muốn vào các ngành nghề khác như y dược, tài chính, ngân hàng, dầu khí, điện lực, các ngành nghề kĩ thuật khác….
Vì sao học sinh không muốn vào các ngành sư phạm? Có nhiều nguyên nhân nhưng về cơ bản vẫn là thu nhập quá thấp. Bằng chứng là đồng lương tháng ở các thầy cô giáo không thể trang trải nổi cuộc sống. Nếu so sánh về lương thì quả thật lương của thầy cô giáo hiện giờ không thể so sánh với các ngành nghề khác, chỉ khác nông dân ở hình thức lao động mà thôi.
Bạn Minh Anh – sinh viên Trường Đại học thủ đô chia sẻ: “Mình vốn yêu thích và mơ ước trở thành giáo viên từ nhỏ, khi đăng kí theo ngành sư phạm rất nhiều người trong gia đình và bạn bè khuyên không nên theo ngành này vì lương quá thấp. Nghe mọi người nói vậy mình cũng rất băn khoăn, lo lắng nhưng rồi mình vẫn quyết định theo học sư phạm để thực hiện mơ ước của mình”.
Còn bạn Hà Vy – sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur lại có ý kiến: “ Mình cũng rất yêu thích ngành sư phạm nhưng vì lương quá thấp và xin việc cũng khó nên mình đã quyết định theo học y dược để có một tương lai tốt hơn”.
Đồng lương không đủ trang trải cuộc sống hiện nay của người giáo viên, liệu họ còn tâm huyết với nghề nghiệp của mình nữa không? Những học sinh giỏi liệu có lựa chọn giáo dục để làm đích đến? Không có thầy giỏi sao có trò giỏi?… Đặt ra những câu hỏi thì dễ, nhưng trả lời nó không hề đơn giản. “Nếu nói đất nước chúng ta đang bị “chảy máu chất xám” thì ngành giáo dục bị mất nhiều nhất.”
“Cơn khát” nguồn nhân lực ngành sư phạm đến khi nào mới được giải quyết?
“Cơn khát” nguồn nhân lực ngành sư phạm đến khi nào mới được giải quyết?
Mùa tuyển sinh năm 2017 vừa qua, ngành sư phạm trở thành tâm điểm chú ý của tất cả mọi người. Trong khi các ngành học khác có điểm chuẩn đầu vào rất cao thì điểm chuẩn của một số trường sư phạm lại thấp “kịch sàn”.
Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, giáo sư Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng GD – ĐT, cho rằng ngành sư phạm hiện nay nên dừng ngay việc đào tạo của các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp vì nguyên nhân các thí sinh không chọn sư phạm vì đã mất niềm tin vào giáo dục và nên áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để đầu tư cho các trường sư phạm trọng điểm để làm nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu phổ thông.
Nâng cao chất lượng giáo dục phải gắn liền với khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp hàng loạt như hiện nay. Đồng thời, Nhà nước nên khuyến khích phát triển trường tư để tăng số lượng giáo viên làm việc trong trường tư thục hưởng mức lương xứng đáng. Số lượng trường tư hiện nay quá ít, chưa bằng 15% số trường công.
Các trường tuyển chọn giáo viên cần chú ý tới chuyên môn nghiệp và phẩm chất nhà giáo của giáo viên. Hiện nay ngành sư phạm “khát” sinh viên giỏi đến đâu nhưng xin việc khó khăn, chế độ đãi ngộ ảm đạm thì học sinh vẫn thờ ơ để tìm đến những chân trời tươi sáng hơn. Công việc thực tế vẫn là yếu tố then chốt chứ không thể chỉ là những lời nói suông mà cần những giải pháp.
Nguồn: suphamhanoi.edu.vn
Để lại một phản hồi