Tại Nghệ An, đến sớm ngồi trò chuyện với các bạn cùng điểm thi trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh), em Phùng Quang Tùng cho biết: “Tổ hợp môn thi ĐH của em là Toán, Văn Anh, vì thế đến hôm nay em đã trải qua 3 môn quan trọng nhất rồi. Môn Địa lý em khá bình tĩnh vì chỉ cần đọc, hiểu được các thông tin từ Atlat Địa lý là em đã có thể trả lời được khá nhiều câu hỏi”.
Ở cả 2 cụm thi đại học và cụm thi địa phương của Nghệ An, môn Địa lý cũng là môn tự chọn có nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhất.
Em Trần Phúc Tuấn – cựu học sinh trường THPT Hoàng Mai, Nghệ An – cho hay: “Địa lý là môn tự chọn của em. Có hơi lo lắng, hồi hộp nhưng em tự tin là sẽ làm được bài thi đạt điểm trung bình. Em lo nhất là phần vẽ biểu đồ. Sau môn thi này là em đã hoàn thành xong kỳ thi THPT quốc gia rồi”!
Với mong muốn thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngành Quan hệ công chúng, tổ hợp môn Văn – Anh – Địa là những môn thi kiếm điểm xét tuyển ĐH của em Hà Trang. Được biết, Hà Trang là học sinh chuyên Địa, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Trong kỳ thi HSG Quốc gia 2016, em cũng đã xuất sắc giành giải nhất.
Mặc dù có thành thích tốt và ôn tập kỹ càng, nhưng trước môn thi quan trọng nay, Hà Trang chia sẻ: “Em sẽ cố gắng làm bài thật cẩn thận, không chủ quan. Vì môn thi Địa lý tưởng chừng dễ dàng, không quá nhiều số liệu để nhớ, lại được mang Atlat vào phòng thi, nhưng cũng là môn rất dễ mất điểm vì làm bài bỏ sót các chi tiết”. (Hồ Lài)
Đây là một trong số ít điểm thi tại cụm thi do Trường ĐH Khoa học-Xã hội và Nhân văn TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) chủ trì có đông thí sinh thi Địa lý.
Các thí sinh tới trường thi sớm, tranh thủ chút thời gian trước giờ thi trao đổi kiến thức với bạn bè.
Em Nguyễn Chí Thành – Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ – cho biết: Trước khi thi môn Địa em thấy khá thoải mái, cũng ôn tập đầy đủ nên không có gì lo lắng nhiều.
Em Kiều Giang – Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7) cũng tỏ ra khá tự tin, mặc dù không theo ban C.
Minh Quân – Trung Tâm Giáo dục thường xuyên (quận 1) cho hay: Em thấy thoải mái trước khi thi, không có áp lực gì cả. Em ôn tập tương đối đầy đủ. Em nghĩ môn Địa sẽ không quá là khó để đạt điểm trung bình, và được mang Atlat vào cũng là một thuận lợi cho chúng em.
Năm nay Sở GD&ĐT TPHCM có hơn 55.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, trong đó môn Địa lý có 11.759 thí sinh dự thi.
Theo quan sát tại điểm thi Trường THPT Gia Định, có một vài thí sinh nam đi muộn (sau 7h sáng mới tới trường thi), khi phụ huynh ở gần cổng trường nhắc nhở đi nhanh, các em vừa bước vội các em vừa chia sẻ “do đêm qua em xem EURO” khiến ai cũng bật cười. (Nga Phan)
Tại Hà Nội, chỉ đăng ký thi Địa lý để xét tốt nghiệp nên tâm trạng của Thu Hà (Trường THPT Thạch Bàn) rất thoải mái. Em cho biết: Ở lớp đã được giáo viên lưu ý nhiều về cách sử dụng Allat nên chỉ cần khai thác tốt lợi thế này, em đã có thể tự tin với điểm trên trung bình.
Ngược lại, Hà Phương đến từ huyện Phú Xuyên lại coi Địa lý là môn giúp mình thực hiện ước mơ vào Trường ĐH sư phạm Hà Nội. Thí sinh này chia sẻ đã tham khảo rất nhiều kinh nghiệm hay trong việc khai thác Allat từ các bài báo trên mạng, trong đó có nhiều bài ở báo Giáo dục và Thời đại.
“Em tham khảo đề thi Địa lý của kỳ thi THPT quốc gia 2015 và thấy yêu cầu đề không khó. Điều thú vị là đề có yêu cầu liên quan đến vấn đề biển đảo – một vấn đề mang tính thời sự trong thời điểm đó. Em cũng hy vọng năm nay những vấn đề gắn với thực tiễn, có tác dụng giáo dục tích cực với giới trẻ sẽ tiếp tục được đưa vào đề thi” – Hà Phương cho biết thêm.
Nhớ rất rõ câu thứ 2 trong đề thi THPT quốc gia 2015 có thể trả lời dựa hoàn toàn vào Allat, thí sinh Nguyễn Thị Nga đến từ huyện Thường Tín mong đề thi năm nay cũng sẽ câu yêu cầu thí sinh dựa hoàn toàn vào tài liệu này.
“Em chỉ chọn Địa lý làm môn xét tốt nghiệp nên không nặng nề điểm cao. Lớp em cũng rất nhiều bạn chọn môn học này vì chỉ cần biết sử dụng Atlat thì chắc chắn sẽ không bị điểm liệt. Năm trước, đề lý thuyết môn Địa cũng khá dễ. Mong rằng năm nay cũng vậy” – Nguyễn Thị Nga chia sẻ. (Hiếu Nguyễn)
Theo các Ban tư vấn Trường Cao đẳng Y dược TPHCM
Để lại một phản hồi