Đề thi “mở”, nên mở đến đâu?

Thời gian qua, bên cạnh những đề thi được nhận xét về giá trị giáo dục và nhân văn, còn có một số đề thi “mở” dụng những vấn đề từ thực tế nhưng gây tranh cãi, khiến không ít người băn khoăn.

Các sao Việt thay nhau xuất hiện ở đề thi
Các sao Việt thay nhau xuất hiện ở đề thi

Mới đây, đề Văn kiểm tra cuối học kỳ I dành cho học sinh lớp 10 trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) có câu hỏi về ca sĩ Chi Pu, câu hỏi chiếm 7/10 điểm của đề. Yêu cầu của đề là hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm, kể về một ngày của mình sau khi ca sĩ này ra mắt MV “Từ hôm nay” vào tháng 10 vừa qua. Sự kiện này thêm một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận về những đề thi mở. Cùng với đó là những băn khoăn rằng đề thi nên “mở” đến đâu thì hợp lý?

Các sao Việt thay nhau xuất hiện ở đề thi

Đây không phải lần đầu tiên một sự kiện hoặc một nhân vật của làng giải trí bước chân vào đề thi dành cho học sinh. Bởi trước đó, năm 2016, dư luận cũng xôn xao về đề thi kiểm tra cuối học kỳ môn vật lý lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM.  Theo đó, câu 5 của đề kiểm tra có nội dung đề cập tới bộ phim “Hậu duệ Mặt Trời”, với những câu hỏi liên quan đến cách tính động năng, thế năng, vận tốc…

Tiếp đó hồi tháng 2/2017, đề thi môn Ngữ văn lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc trích bài hát “Lạc trôi” của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP và yêu cầu học sinh xác định phương thức biểu đạt, thông điệp…

Rõ ràng những đề thi ngữ văn mở đã trở nên ngày càng phổ biến trong thời gian trở lại đây. Nó góp phần đem lại cảm giác gần gũi, thời sự, mới mẻ, khác với tính chất khô khan, rập khuôn, máy móc từ những bài văn mẫu mà bao thế hệ học sinh từng kinh qua. Nhưng bên cạnh đó, ngay cả những giáo viên ngữ văn cũng đang băn khoăn lắm rằng đề văn nên mở như thế nào để môn văn hướng được cho học sinh vào những giá trị chân – thiện – mỹ, không trở thành tùy tiện, ngẫu hứng?

Mới đây, một trường THPT tại Hà Nội đã đưa nội dung câu hỏi liên quan đề xuất cải tiến chữ viết của PGS-TS Bùi Hiền vào đề thi kết thúc học kỳ 1 dành cho học sinh lớp 12 với yêu cầu hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình về đề xuất này.

Về vấn đề này, PGS-TS Bùi Hiền chia sẻ, việc đưa đề xuất cải tiến chữ viết vào đề thi là hơi sớm và mang tính chất đánh đố học sinh. Công trình của ông chưa nghiên cứu hoàn thiện, học sinh cũng chưa được phổ biến một cách cụ thể về đề xuất mà chỉ biết qua thông tin đại chúng. Với một nghiên cứu khoa học, sự hiểu biết đó chưa tường tận. Vì vậy, cách đưa đề thi này có thể khiến học sinh không nói được quan điểm của mình.

Đề thi “mở”, nên mở đến đâu?

Đề thi “mở”, nên mở đến đâu?

Đề thi “mở”, nên mở đến đâu?

Xung quanh đề văn về ChiPu, thầy Hoàng Đức Thắng – Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ, về mặt sư phạm cũng như về chuyên môn, đề thi này còn nhiều hạn chế như: Tính giáo dục không cao, nhất là khi liên quan đến việc các nghệ sĩ “ném đá” nhau. Do đó, nó có tác động không tốt về mặt giáo dục với các em. Thứ hai, không nên để các em học sinh quan tâm đến những lùm xùm trong giới showbiz vì không phù hợp với lứa tuổi của các em.

Bên cạnh đó, đại bộ phận học sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hiện nay do điều kiện kinh tế còn chưa đủ đầy, nên việc tiếp cận với thông tin, với phương tiện nghe nhìn vẫn còn là một hạn chế. Do không có đủ thông tin về những nhân vật của làng giải trí, hẳn là việc làm những đề thi dạng mở cũng không phải là chuyện dễ dàng. 

Chính vì thế, theo các chuyên gia, trong việc ra đề thi mở nên chọn những câu chuyện, những sự kiện theo dòng thời cuộc, có tác động lớn tới việc hình thành nhân cách, lối sống của học sinh. Ngoài ra, những câu chuyện được chọn cũng nên là những sự việc có tính điển hình, tích cực và đủ phổ biến để không thành đánh đố.

Nguồn: suphamhanoi.edu.vn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*