Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017

Lạm thu đầu năm một hiệu trưởng bị đình chỉ công tác

Dựa vào những hạn chế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2016, dự kiến năm 2017 Bộ GD & ĐT, các thí sinh sẽ thực hiện 5 bài thi thay vì tổ chức thi theo từng môn.

ky-thi-thpt-nam-2017
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT 2017

Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã lên các phương án tuyển sinh năm 2017 và sẽ công bố tới học sinh trước ngày 10.9. Bộ GD-ĐT đang tiếp tục thảo luận để hoàn thiện phương án chính thức, trong đó có 5 phương thức xét tuyển đang được xem xét, lấy ý kiến: xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT; xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt; xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường; phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh. Nếu kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh, các trường phải công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển bằng từng phương thức khác nhau.

Theo dự thảo, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi cho tất cả các thí sinh tại địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ chỉ thực hiện giám sát. Thời gian thi của các cụm sẽ diễn ra cùng lúc trên toàn quốc. Như vậy, có thể cả nước chỉ có một loại cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức thay vì có thêm loại cụm thi do trường ĐH chủ trì như vừa qua.

Để dự thi, thí sinh hệ THPT sẽ làm 5 bài thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân); thí sinh hệ giáo dục từ xa làm 4 bài thi (bớt đi bài Ngoại ngữ). Trừ môn Văn thi bằng hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Sẽ có tác động trái chiều từ phía phụ huynh, học sinh

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, phụ huynh Cao Minh Huế có con đang theo học tại trường THPT Đào Duy Từ (TP.Thanh Hóa) cho biết, trong 2 năm trở lại đây, chị đã liên tục theo dõi thông tin tuyển sinh để chuẩn bị cho con thi tốt nghiệp THPT 2017. Tuy nhiên, theo như chị nhìn nhận, năm 2015, Bộ cho phép thí sinh được “nộp vào, rút ra” khiến hàng ngàn phụ huynh, học sinh nháo nhào chọn trường, đổi trường. Còn năm 2016 thì Bộ lại cấm “rút ra để nộp vào nơi khác” khiến nhiều thí sinh từ đỗ thành trượt.

Và đến nay, khi nghe phương án tuyển sinh vẫn chưa được thống nhất thì chị càng lo lắng hơn. “Trường con tôi năm nay dự tính thi sẽ là Đại học Y. Năm 2016 điểm của Đại học Y xuống khá thấp nên gia đình cũng có hy vọng vào học lực của cháu, nhưng sự thay đổi của Bộ khiến… gia đình thấp thỏm không yên”.

Em Nguyễn Thành Nhất đang theo học tại trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho hay: “Các thí sinh đã ôn tập, theo dõi các đề thi từ các năm trước để ôn luyện. Bây giờ Bộ thay đổi phương thức thi theo cụm hay theo tỉnh thì được chứ thay đổi cấu trúc cũng như cách ra đề, thi trắc nghiệm tất cả các môn thì coi như việc ôn luyện các môn của chúng em lâu nay gần như “đổ sông đổ biển”.

Một giáo viên tại trường Hồng Lĩnh cũng cho rằng, nếu  thay đổi cả đề thi, cách thức thi như vậy thì không chỉ học sinh mà giáo viên cũng cực kỳ bị động. Thời điểm này học sinh đã học trước chương trình lớp 12 gần cả tháng để đến khoảng giữa học kỳ II chỉ tập trung cho ôn tập kiến thức. Nếu thi theo phương thức tích hợp kiến thức liên môn, ngay cả giáo viên cũng chưa dạy theo cách này ở các môn theo chiều sâu. “Việc thi là phản ánh kết quả của một quá trình học tập chứ không dễ dàng, còn việc Bộ GD-ĐT nghĩ việc ra đề thi như 2 năm vừa qua khiến các thí sinh học tủ, học lệch là không đúng. Bởi cách ra đề thi tự luận chính là để các em phát huy được cách diễn giải và cách hiểu của mình trong một môn học”.

thi-tot-nghiep-thpt-nam-2016
Đổi mới kỳ thi THPT sẽ gây ra nhiều phản ứng trái chiều

Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), ông Nguyễn Xuân Khang, nói rằng hai năm qua, năm nào Bộ cũng có điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia. Nếu điều chỉnh để tốt hơn như năm 2016 so với năm 2015 thì giáo viên, học sinh hoan nghênh. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, nếu năm nào cũng có sự thay đổi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh cũng như cách thức giảng dạy của các giáo viên khi ôn luyện cho học sinh của mình.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Phương án thi năm 2017 không phải hoàn toàn mới mà là sự kế thừa, cải tiến phương án thi của năm 2016 để tốt hơn. Không phải mỗi năm một phương án mới”. Tuy nhiên, nếu như theo đúng lý giải của Bộ trưởng, sự đổi mới “mỗi năm một kiểu” sẽ không khác gì việc đánh đố, thử sức thí sinh khi đưa các em vào một vòng luẩn quẩn. Hy vọng lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của dư luận, của chính những người trong cuộc là các em học sinh cuối cấp năm nay, để có những điều chỉnh phù hợp.

Nguồn: Cao đẳng Y Dược Pasteur

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*