Học tủ – dạy tủ nên hay không?

Không chỉ học sinh mới “học tủ” mà vẫn còn khá nhiều giáo viên chọn cách “dạy tủ” cho học sinh nhằm mang lại điều lợi trước mắt mà không nghĩ đến những hậu quả đằng sau việc này.

Học tủ – dạy tủ nên hay không?

Sau mỗi giờ kiểm tra, câu hỏi mà không ít học sinh dùng để hỏi nhau là “ôn có trúng tủ không?”. Có người mặt cười tươi vì mình trúng tủ, lại có những người mặt méo xệch bởi bị “tủ đè”. Điều đáng nói là không chỉ học sinh chọn cách học tủ, mà ngay cả đến giáo viên cũng chọn cách dạy tủ cho học sinh.

Học tủ là như thế nào?

Học tủ là cách chọn lọc những kiến thức quan trọng, cần thiết mà mình tự phỏng đoán là sẽ được ra trong đề thi. Cách học này mang tính rủi may rất cao. Nếu trúng tủ có thể sẽ được điểm cao chót vót nhưng lệch tủ có thể gây ra những hậu quả đáng buồn như không làm được bài, làm sai hoặc để nguyên giấy trắng.

Đây là cách học mang tính đối phó cao nhưng lại được khá nhiều học sinh và cả giáo viên áp dụng.

Học sinh vì lười học nên học tủ để nhờ may rủi còn giáo viên dạy tủ với mong muốn nếu trúng tủ học sinh đạt điểm cao hơn so với năng lực các em hiện có và điều đặc biệt là để nâng cao uy tín cho giáo viên và đương nhiên từ đó sẽ có nhiều học sinh đến lớp học thêm của mình. Những môn thường được chọn học tủ nhiều nhất là các môn học khối xã hội như Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn.

Thực tế cho thấy cũng rất nhiều người chọn cách dạy tủ và đã thành công nhò may mắn. Nhưng đó chỉ là những trường hợp rất ít. Thanh Hiền – sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ, trước đây khi ôn thi THPT Quốc gia vì em học kém môn Ngữ văn nên em phải đi học thêm. Đến lớp cô không dạy cho học sinh kĩ năng làm văn, kĩ năng phân tích đề, lập dàn bài sơ lược rồi dàn bài chi tiết… Hàng ngày đến lớp học thêm của cô bọn em chỉ có mỗi một việc chép bài cô đã làm sẵn đến sái tay về học thuộc và hôm sau trả bài. Và rồi khi đi thi điểm cũng không tốt lắm nếu không muốn nói là bị “tủ đè”.

Học tủ - dạy tủ được ăn cả, ngã về không

Học tủ – dạy tủ được ăn cả, ngã về không

Học tủ – dạy tủ được ăn cả, ngã về không

Học tủ và dạy tủ nếu trong bài kiểm tra nhỏ trên lớp thì mức độ ảnh hưởng còn ở tầm thấp, nhưng nếu áp dụng phương pháp này cho những kỳ thi lớn như kỳ thi THPT Quốc gia thì hoàn toàn là một sai lầm rất lớn. Bởi kỳ thi này quyết định lớn đến tương lai của các em nên việc học tủ nên được xác định là không thể.

Học tủ chỉ mang tính chất xác suất, may rủi nên trong nhiều trường hợp, khi không gặp đúng bài mình đã học, học sinh đó sẽ không có khả năng, không đủ kiến thức làm bài. Từ đó, học sinh dễ nảy sinh các vấn đề khác như quay cóp, gian lận trong thi cử.

Một trong những nguyên nhân có thể kể đến chính là do chương trình học của bộ giáo dục đề ra nặng về kiến thức, khô khan, cứng nhắc khiến một bộ phận học sinh chán học, học chống đối. Bản thân các bậc phụ huynh lại tạo sức ép, gây áp lực học tập lên con cái trong khi chưa hề có một định hướng cụ thể. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nguyên nhân một phần cũng một phần xuất phát từ chính bản thân mỗi học sinh. Chưa có ý thức tự giác trong học tập, học sinh nảy sinh việc học chống đối, thụ động.

Giáo viên lựa chọn dạy tủ vì lượng kiến thức thì quá khổng lồ trong khi thời gian thì có hạn nên giáo viên thường lựa chọn và phỏng đoán theo ý kiến cá nhân của mình, chọn lọc những kiến thức mình cho là sẽ được ra đề để dạy cho học sinh.

Gia đình, nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giảm thiểu, bài trừ những phương pháp học tiêu cực này. Phụ huynh cần có những định hướng cụ thể trong việc học tập của con em, dành thời gian bên con em và cho phép con mình tham gia các hoạt động ngoài trời lành mạnh, bổ ích. Các Nhà trường trung học cơ sở cũng như trung học phổ thông cần có những phương pháp nhằm giảm thiểu áp lực cho học sinh trong từng bộ môn. Bên cạnh đó, học sinh cũng cần xây dựng cho mình tính tự giác, có sự sắp xếp thời gian hợp lí giữa việc học và các hoạt động giải trí khác.

Nguồn: suphamhanoi.edu.vn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*